BÚT TÍCH CỦA MỘT DANH NHÂN XỨ ĐÔNG TẠI NGHỆ AN

Tác giả: Trần Tử Quang - thư viện tỉnh Nghệ An


Nằm nép mình sau trung tâm thương mại Đô Lương, ngay dưới di tích gốc cây Đa Chợ Huyện hiện nay đang lưu giữ một di sản quý báu, đó chính là những tấm văn bia cổ khắc ghi bút tích của một danh nhân kiệt xuất xứ Đông, một vị quan nổi tiếng trong lịch sử.

Tấm văn bia được nói đến mang tên “Lương Sơn huyện bi ký”. Trước đây những di sản này đặt ở nơi nào đến nay không ai còn biết. Chắc rằng trải qua biến cố thời gian nên di tích gắn với những tấm bia này không còn nữa. Theo một số người dân địa phương thì trước kia những tấm bia này nằm lăn lóc ngay trên con đường dẫn vào chợ. Sau này chính quyền các cấp đã đưa về đặt dưới gốc cây Đa chợ Huyện – nơi gắn với cuộc binh biến Đô Lương để thuận tiện trong việc giữ gìn bảo vệ.

Tấm bia tạc theo phong cách tạo hình thời Nguyễn: trán bia khắc hình “lưỡng long triều nhật”, xung quanh thân bia là hoa lá uyển chuyển và thanh thoát. Đặc biệt trên đỉnh bia lại tạc hình một đài sen làm tăng thêm vẻ sang trọng và thanh tao của những sự kiện được được nhắc tới trong văn bia cũng như tác giả soạn văn.

Bia có hai mặt đều khắc chữ Hán chân phương đặc trưng của thời Nguyễn sơ. Mặt trước bia có 14 dòng, phía trên lòng bia có chữ “Lương Sơn huyện bi ký”. Sau khi xem nội dung chúng tôi xác định tấm bia này trước kia được đặt tại nhà “Tư Văn” của huyện Lương Sơn xưa. Qua văn bia cho chúng ta thấy được truyền thống hiếu học, trọng lễ nghĩa của huyện Lương Sơn nói riêng và xứ Nghệ nói chung (tạm dịch): “Nay văn trị hưng thịnh, từ kinh đô cho tới tận làng xã không nơi đâu là không có trường học. Ở châu, ở huyện không nơi đâu là không có miếu thờ các bậc Tiên hiền. Đây chính là lúc phong nhã dấy lên, nhân tài phấn phát. Thật đúng là mảnh đất thanh danh, văn vật vậy”. Chính vì vậy không thể không xây dựng nhà Tư Văn để khuyến khích việc học hành và khẳng định quê hương văn vật phát triển, phong tục thuần hậu cũng chính là nhờ vào sự giáo hóa đó. Điều này cho thấy tinh thần trọng Nho học của nước ta dưới triều Nguyễn và tầng lớp trí thức đương thời. Và những sự kiện đó đều phải được khắc ghi lên bia đá để lưu truyền cho hậu thế: “Trước sau dòng nước như ánh mực vây quanh, bốn phương núi non như ngòi bút sừng sừng. Nước non trong trẻo tinh anh, cái tinh túy chính ở mạch Tư Văn này, cùng với núi sông muôn đời bất diệt. Bèn ghi lại sự việc này mà khắc vào đá”.

Văn bia này thuộc thể “ký”, cụ thể hơn là ký đình, đài, danh thắng. Đây một loại văn bản đặc biệt có nội dung tư tưởng và ý nghĩa xã hội rất sâu sắc và ý nghĩa. Hàng chữ cuối ở mặt trước tấm văn bia có ghi rõ: “Tứ Nhâm Thìn khoa đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, Trung Thuận đại phu, Hồng Lô tự khanh, Lãnh Nghệ An đẳng xứ địa phương Thừa tuyên bố chính sứ ty Bố chính sứ Đỗ Quang soạn” cho ta biết người soạn văn bia chính là Tiến sỹ Đỗ Quang – một danh nhân xứ Đông, một vị quan nổi tiếng trong lịch sử.

Đỗ Quang tên đầy đủ là Đỗ Tông Quang sinh Đinh Mão (1807) tại làng Phương Điếm xã Phương Hưng huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi thi thư lễ nghĩa Năm Nhâm Thìn niên hiệu Minh Mạng, ông thi đậu Tiến sĩ và được giữ chức Hàn lâm viện trực học sỹ biên tu, tham gia viết hai bộ quốc sử là “Đại Nam thực lục tiền biên” và “Ngọc điệp”. Ông là vị quan luôn chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là những người cùng khổ. Có lần ông đã tự ý giảm thuế cho những người nghèo nên đã bị thất thu 300 quan tiền và 100 lạng bạc. Vì việc này ông bị vua Tự Đức cách chức nhưng sau đó được minh oan và phục chức.

Tháng 9 năm 1858, Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Tháng 1 năm 1859 quân Pháp vây đánh thành Gia Định, quân triều đình thua chạy. Đứng trước nạn xâm lăng, Đỗ Quang đứng về phe chủ chiến. Tháng giêng năm 1860 triều đình cử ông vào nhận chức Tuần phủ Gia Định. Ông cùng Nguyễn Tri Phương hợp lực đánh giặc. Sau đó ông tiếp tục ở lại Gia Định cùng Trương Định tìm kế đánh giặc. Khi Trương Định được phong “Bình Tây đại nguyên soái” thì ông nhậm chức” Đốc biện quân lương” phụ trách tuyển mộ quân binh và quyên góp lương thảo.

Có lần ở chiến khu, Ông nghe tin vào đêm 16 tháng 12 năm 1861, một số dân binh đã tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc (thuộc Long An), gây cho đối phương nhiều thiệt hại nhưng quân ta hy sinh khoảng hai mươi người. Ông vô cùng cảm kính sự hy sinh anh dũng đó nên đã lập tức sai người đến nhờ cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu làm một bài văn tế để đọc tại buổi lễ truy điệu các nghĩa sĩ vừa mới hy sinh. Tác phẩm “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” ra đời như thế. Suốt thời gian gần hai năm đầu của cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, Đỗ Quang cùng Trương Định đánh thắng nhiều trận, tiêu diệt hơn 2000 quân Pháp. Trong lúc đó, triều đình Huế nhu nhược kí hòa ước 5/6/1862 dâng 3 tỉnh miền đông cho Pháp. Trương Định bị điều đi nhậm chức lãnh binh ở An Giang và Phú Yên, Đỗ Quang bị triều đình triệu về kinh thăng chức Tham tri bộ hộ cử đi nhậm chức tuần phủ Nam Định. Ông đã dâng sớ xin cáo quan về quê mở trường dạy học, nuôi mẹ già và sống cuộc đời thanh bần cùng xóm làng. Ông mất vào năm 1866 thọ 66 tuổi. Triều đình Huế đã truy tặng ông “Lễ bộ thượng thư” và đưa vào thờ “đình Hiền Lương”. Cảm mến đức tài của ông, nhân dân quê nhà đã lập văn tế và bài vị tôn thờ tại đình Phương Điếm. Mộ Tiến sỹ Đỗ Quang và đình Phương Điếm đã được nhà nước xếp hạng quốc gia ngày 5/9/1989.

Cuộc đời làm quan của ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực, được nhân dân ca ngợi là bậc “dân chi phụ mẫu”. Ông lại nổi tiếng với tài thao lược và lòng yêu nước bởi ông là một trong những vị anh hùng đầu tiên đứng lên chống lại giặc Pháp xâm lược. Thời điểm soạn bài văn bia nói trên (1756), Tiến sỹ Đỗ Quang đang giữ chức Bố chính sứ tại Nghệ An. Trước đó trong khoảng những năm 1835 – 1847 ông đã từng giữ chức Tri phủ Diễn Châu. Trong thời gian dài làm quan tại Nghệ An ông đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trên mảnh đất này mà tấm văn bia ông soạn để ca ngợi giáo hóa, học hành tại huyện Lương Sơn là một bằng chứng cụ thể. Huyện Đô Lương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung tự hào khi lưu giữ được bút tích và dấu ấn của một danh nhân kiệt xuất như Ông. 

Nhận xét