CÁC SẮC PHONG CHO ĐỀN KHAI LONG


CÁC SẮC PHONG CHO ĐỀN KHAI LONG SỨ (XÃ TRUNG SƠN, ĐÔ LƯƠNG) ĐANG ĐƯỢC LƯU GIỮ TẠI ĐỀN LINH KIẾM (XÃ THUẬN SƠN, ĐÔ LƯƠNG)

Tác giả: Nguyễn Trần Đăng, dịch: Trần Tử Quang, ảnh: Cụ Đào Tam Tỉnh.

Đền Khai Long sứ (開隆使) tại thôn Đông Bích, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (cũ) mà nay là thôn Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là một trong những ngôi đền có quy mô lớn của huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn ngày xưa. Theo sách “Đồng Khánh địa dư chí” huyện Lương Sơn được lập năm Minh Mệnh 12 (1831), mục “Đền miếu” ở huyện Lương Sơn có ghi 3 đền miếu lớn: đền Quả Sơn (Quả Sơn linh từ) (ở thôn Nhân Bồi, xã Bạch Đường), miếu Khai Long Sứ (ở thôn Đông Bích, xã Thuần Trung), miếu vua Trang Tông Dụ Hoàng đế (ở thôn Yên Tứ, xã Văn Trường). 
Hiện nay, chỉ còn lại hai công trình là đền Đức Hoàng (thờ vua Lê Trang Tông) ở xã Yên Sơn, đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn, cả hai công trình này đều được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Riêng đền Khai Long sứ ở xã Trung Sơn đã thành phế tích.
Qua quá trình điền dã, nhiều đoàn nghiên cứu của Viện Văn hóa dân gian, Thư viện tỉnh Nghệ An… đã phát hiện thấy ở đền Linh Kiếm (thôn Thuận Lý, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương) có lưu giữ rất nhiều sắc phong, nhưng trong đó lại có nhiều sắc không phải phong cho thần được thờ ở đền này mà do những đền ở nơi khác gửi. Trong đó có sắc phong đền Khai Long sứ ở xã Thuần Trung, Thành hoàng xã Thuần Trung và có cả sắc phong cho Thành hoàng của một xã thuộc huyện Đông Thành. Lý giải điều này, chúng tôi được biết: sau khi đền Khai Long sứ bị phá để xây dựng trường tiểu học Trung Sơn, các đồ thờ hầu hết bị suy suyển, mất mát hết, nhiều người dân lấy về sử dụng, còn các đạo sắc phong của các triều đình phong kiến cho đền thì được người dân Đông Bích đem gửi ở đền Linh Kiếm. Một số sắc khác theo như các cụ thủ từ thì do người dân nhặt được nên gửi vào đền.
Qua kiểm tra các sắc phong tại đền Linh Kiếm, chúng tôi phát hiện thấy có một số đạo sắc phong như sau:

- Đạo sắc (mất hết niên hiệu nhưng khả năng là dưới triều vua Cảnh Hưng).
- Đạo sắc phong Cảnh Hưng thứ 28.
- Đạo sắc phong Cảnh Hưng thứ 44;
- Đạo sắc phong Tự Đức thứ 31 nhân dịp Ngũ tuần đại khánh;
- Đạo sắc phong Đồng Khánh thứ nhất;
- Đạo sắc phong Khải Định nhân dịp Tứ tuần đại khánh;
- Đạo sắc phong Duy Tân thứ nhất.

Như vậy, có thể thấy việc thờ phụng thần ở đền Khai Long Sứ đã có từ lâu đời và đã được nhà nước phong kiến ghi nhận. Với các đạo sắc phong còn lưu giữ đã ghi nhận công lao của vị thần được thờ trong đền Khai Long là Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan và một vị thần là Khai Long sứ.
Rất tiếc hiện nay đền Khai Long đã bị phá hoang tàn.
Nay xin dịch lại một số bản sắc phong như sau:


Sắc thứ 1: 


敕旨乂安省梁山縣純忠社依舊奉事俊邁剛忠端亮光懿兵部上書太傳晉府君謚謙謹中等神;嘏純禧妙感純正開隆使君。節經頒給敕封準其奉事。嗣德三十一年正值朕五旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登怵準許依舊奉事用誌國慶而伸祀典。
欽哉
   

Phiên âm:
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý Binh bộ thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần; Huyền hỗ Thuần hy Diệu cảm Thuần chính Khai Long sứ quân. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên chính trị trẫm ngũ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển.
Khâm tai!


Dịch nghĩa:
Sắc chỉ cho xã Thuần Trung, huyện Lương Sơn, tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, quan thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là: Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý và vị tôn thần Khai Long sứ quân. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 gặp đúng đại lễ mừng thọ 50 của trẫm nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Kính thay!


Sắc thứ 2:


敕俊邁剛忠端亮光懿兵部上書太傳晉府君謚謙謹中等神玄嘏純禧妙感純正開隆使君之神向來護國庇民稔著靈應。節蒙頒給敕留祀.。肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈翊保中興各等神仍準許乂安省梁山縣純忠社依舊奉事。神其相佑保我黎民。
欽哉
   

Phiên âm:
Sắc Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý Binh bộ thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân thụy Khiêm Cẩn trung đẳng thần; Huyền hỗ Thuần hy Diệu cảm Thuần chính Khai Long sứ quân chi thần hướng lai hộ quốc tí dân nhẫm trước linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Dực bảo Trung hưng các đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!

Sắc mệnh chi bảo

Dịch nghĩa:
Sắc cho vị trung đẳng thần Thái Phó Tấn phủ quân tên thụy là Khiêm Cẩn, quan thượng thư bộ Binh, vốn được ban mỹ tự là: Tuấn mại Cương trung Đoan lượng Quang ý và vị tôn thần Khai Long sứ quân từ trước tới nay bảo vệ nước che chở dân linh ứng rõ rệt. Đã được ban tặng sắc phong để thờ. Nay trẫm kế thừa mệnh sáng, trông lại sự che chở của thần, đáng được tặng phong là: Các đẳng thần Dực bảo Trung hưng, vẫn chuẩn cho xã Thuần Trung huyện Lương Sơn tỉnh Nghệ An thờ phụng như cũ. Thần hãy giúp đỡ che chở cho dân ta. Kính thay


Sắc thứ 3:


Nguyên văn:
敕旨乂安省梁山縣純忠社依舊奉事卓偉翼保中興開隆使君上等神卓偉翼保中興功神太傅晉郡公阮上等神。節經頒敕封準其奉事。維新元年晉光大禮經頒頒寶詔覃恩禮隆登秩榫依舊奉事用志國慶而申祀典。
欽哉
   


Phiên âm:
Sắc chỉ Nghệ An tỉnh Lương Sơn huyện Thuần Trung xã tòng tiền phụng sự Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Khai Long sứ quân thượng đẳng thần; Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Lê trung hưng công thần Thái Phó Tấn Quận công Nguyễn thượng đẳng thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai


Dịch nghĩa:

Sắc chỉ cho xã Thuần Trung huyện Lương Sơn tỉnh Nghệ An từ trước đến nay thờ phụng vị Thượng đẳng thần Khai Long sứ quân vốn được tặng mỹ tự là Trác vĩ Dực bảo Trung hưng; vị thượng đẳng thần công thần triều Lê trung hưng Thái Phó Tấn Quận công họ Nguyễn (vốn được tặng mỹ tự là) Dực bảo Trung hưng. Đã được ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Năm đầu niên hiệu Duy Tân cử hành đại lễ lên ngôi nên ra chiếu báu tỏ rõ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Kính thay!


Như vậy, cùng với đền chính ở sát Sông Lam thuộc xã Tràng Sơn, mộ tại khu vực Rú Cấm, Thái phó Tấn quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan còn được thờ tại nhiều nơi của Đô Lương, hầu hết đều là những ngôi đền lớn có giá trị, quy mô hoành tráng như đền Khai Long, đền Phú Thọ!



Nhận xét

  1. Trong này nối đạo sắc phong do dân nhặt được là ko đúng. Tôi làm quản lý đền Linh Kiếm xã Thuận Sơn 18 năm biết rất rõ điều này " Năm 2014 cụ Nguyễn Ngọc Tửu ssoongs ở tân kỳ có đem một hộp sắc gồm 32 cái còn nguyên vẹn trong đó có 9 đạo sắc phong của họ Nguyễn Cảnh xã Tràng sơn, 3 đạo sắc của đền khai long, còn lại là của các đền chùa khác. Năm 1962 cụ di dân lên tân kỳ và có mang theo hộp sắc này, sau đó nghe tin đền Linh Kiếm đón nhận di tích cấp tỉnh nên đem trả lại cho đền" những nội dung ly kỳ về hộp sắc này còn dài, nếu tác giả cần thì tôi sẽ cung cấp thêm

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét