MỘT SỰ XÂM THỰC VĂN HÓA VIỆT

Hình ảnh sư tử trong điêu khắc cổ Việt Nam

Sư tử là một loài không có ở Việt Nam, tuy nhiên hình tượng sư tử đã xuất hiện trong điêu khắc cổ, là sự pha trộn của những hình tượng cá sấu, lân, nghê, sư tử và trở thành mô típ quen thuộc tại các chùa chiền miền Bắc. Trong kiến trúc đền, chùa truyền thống Việt không có việc đặt sư tử đá. Hình ảnh sư tử đã được cha ông chúng ta tưởng tượng từ những loài vật khác và Việt hóa thành linh vật có trí tuệ, đứng ở vị trí tầng trên để kiểm soát tâm hồn người hành hương trước khi vào lễ bái.

Điều đáng quan tâm hiện nay đó là tại các công trình văn hóa của ta đã sao chép y nguyên hình ảnh con sư tử đá Trung Quốc và đặt chúng trong các không gian thuần Việt. Đối với người Trung Quốc, sư tử đá đầu tiên được dùng để canh giữ mộ, sau này, những người thợ đã tạo nên hình ảnh sư tử uy nghiêm, mạnh mẽ, đầy sức sống, đặc biệt là những con sư tử ở tư thế quỳ. Chính vì thế chức năng canh giữ mộ của sư tử đã được bổ sung thêm việc xua đuổi tà ma, tiêu trừ tai họa, mang lại phước lành cho gia chủ nên sư tử được đặt trong cung cấm, trước dinh thự của quan lại. Thông thường, việc đặt sư tử đá Trung Quốc thường có một đôi: con đực đặt bên tả, chân phải đặt lên khối cầu; con cái đặt bên hữu, chân đè lên con sư tử con đang đùa giỡn. Đó là những hình ảnh mang tư tưởng của người Trung Quốc, với ước vọng hóa giải tà khí, thu hút tài vận. Cặp sư tử cũng thể hiện sự hài hòa về âm dương, bao gồm cả quyền lực của con đực để bảo vệ ngôi nhà và sự lo lắng cho nội bộ gia đình của sư tử cái. Sư tử đá bắt gặp ở nhiều nơi của Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay.


Sư tử đá ở Tượng đài Binh biến Đô Lương

Sư tử đá ở Đền thờ Liệt sĩ Truông Bồn


Nhiều cặp sư tử đá đặt nhầm chỗ ở chùa Một Cột, đền Đô... đã bị giới nghiên cứu văn hóa phê bình dẫn đến việc phải bỏ đi, trả lại không gian vốn có. Tại Nghệ An, ở những công trình văn hóa cũng không hiếm những cặp sư tử đá tạc theo khuôn mẫu sư tử Trung Quốc dù đó là di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận hay là những di tích mới được phục dựng. Những linh vật này thường do doanh nhân hay các cơ quan doanh nghiệp cung tiến vào đền, chùa. Tuy nhiên, việc công đức tùy tiện lại không xét đến các yếu tố văn hóa truyền thống đã khiến cho những công trình văn hóa tồn tại hàng trăm năm bị xâm thực bởi các yếu tố phi văn hóa Việt. Ngay tại đền Quả - một trong “bốn ngôi đền thiêng nhất xứ Nghệ”, là di tích lịch sử quốc gia tại huyện Đô Lương được một doanh nhân cung tiến một đôi sư tử đá có kích thước khá lớn. Việc đặt hai con sư đá này không phù hợp với cảnh quan chung của đền, hơn nữa hai con sư tử này lại cùng giống đực, không tuân thủ theo quy luật âm - dương khi bài trí. Hay như tại tượng đài Binh biến Đô Lương mới được cải tạo cũng được bố trí thêm hai con sư tử bằng đá trắng. Điều đáng nói là đặt linh vật ở những di tích lịch sử lâu đời như đền, chùa còn hợp lý, đằng này những con sử tử Trung Quốc này lại chiễm chệ ở cả những công trình văn hóa thời hiện đại. Không hiểu việc đặt sư tử tại các công trình này có ý nghĩa gì? Sở văn hóa và ban quản lý di tích danh thắng cùng các chuyên viên văn hóa có ý kiến như thế nào? Nhưng rõ ràng đây là sự bắt chước hoàn toàn, không phù hợp với lối điêu khắc, thẩm mỹ được sáng tạo nên trên cơ sở hiểu biết về văn hóa của dân tộc.



Hiện nay, nhiều trụ sở cơ quan, doanh nghiệp tại Nghệ An cũng bài trí một cặp sư tử trước cổng với hi vọng xua đuổi khí xấu, thu hút tiền tài. Tuy nhiên, do không hiểu về ý nghĩa của việc bài trí cho nên có nhiều nơi, hai con sư tử đá đều là con đực hoặc đều là con cái. Có nơi lại hoán đổi vị trí, không đúng với sắp đặt truyền thống là con đực bên tả, con cá bên hữu. Đó cũng là một ví dụ cho thấy cần một sự hiểu biết nhất định về văn hóa. 



Nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa đang được phục hồi, tôn tạo, trong đó phải kể đến sự đóng góp từ nguồn xã hội hóa, công đức của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi phục dựng cần đánh giá việc đưa một kiến trúc ngoại lai vào hay không, bên cạnh đó cũng cần quản lý việc công đức các công trình, vật phẩm hoàn toàn vay mượn bên ngoài. Sự lệ thuộc về văn hóa là một mối nguy lớn bởi vì chúng ta có sẵn một nền văn hóa, điêu khắc, kiến trúc phong phú, không cần phải vay mượn để dẫn đến vong bản. Mà vong bản là mối nguy cho những giá trị quý báu và cho cả vận mệnh đất nước, dân tộc. Và quan trọng nhất đó là sự sao chép hoàn toàn từ hình mẫu của sư tử Trung Quốc, không hề mang bản sắc Việt Nam.


Bài đăng trên báo Nghệ An - Chủ nhật ngày 04 tháng 8 năm 2013

Nhận xét