CÂY THUỐC LÁ HOA VIÊN


CÂY THUỐC LÁ HOA VIÊN

Như một sự tình cờ, tôi post lên blog cá nhân bài viết có địa danh Hoa Viên ở tổng Đô Lương, một nhà báo kì cựu của tờ Thanh Niên search google mà có e-mail với một mong mỏi của cả trăm nghìn người xứ Quảng mang dòng máu Nghệ hơn 400 năm trước đã vào mở đất, dựng nên một vùng quê Thanh Quýt bây giờ.

Đó là dòng họ Trương Công của nhà báo Trương Điện Thắng.

Câu chuyện về người đã lập nên dòng họ ở trong xứ "Quảng Nôm" ấy vẫn còn ghi rõ: Tiền hiền là Trương Công Trung quê thôn Hoa Viên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Nhưng rồi do tránh húy, chữ Hoa Viên trong Quảng Nam đổi thanh Ba Viên (như chợ Đông Hoa thành Đông Ba), ở Triều Khẩu, thôn Hoa Viên thành Văn Viên, tổng cũng là tổng Văn Viên. Dòng dõi họ Trương Công trong đó vẫn còn giữ lại chút gì đó của người Nghệ, của họ Trương Công: có một ngôi chùa cũng mang tên làng cũ là Hoa Viên, có cây thuốc lá Ba Viên.

Thư qua, điện lại, nhà báo xứ Quảng ấy chắc hẳn cũng buồn lòng khi không có một manh mối gì của dòng họ Trương Công ở Văn Viên ngày xưa ấy. 400 năm qua rồi kể từ cái thời ông tiền hiền ấy vượt dặm trường vào Nam sinh sống.

Rồi trong một ngày mùa Đông năm Nhâm Thìn, nhà báo Điện Thắng cùng một số người trong họ có về Nghệ An dự lễ họ ở Diễn Châu. Tôi đưa ông đi đến mảnh đất Triều Khẩu nơi có Lam Thành ngày xưa Lê Lợi củng cố lực lượng làm bàn đạp tấn công quân Minh. Mảnh đấy ấy có bao con người, địa danh còn mãi với lịch sử: kìa là đền Vua Lê, đền thờ Thánh Vương Bạch Đế, Đền thờ đức thánh Khổng Lồ, kìa bến Chợ Tràng nơi có trận đánh Trịnh-Nguyễn năm xưa, rồi dòng họ Hoàng, họ Bạch... (nhưng tịnh không thấy họ Trương Công còn sót lại ở mảnh đất này). Tôi chợt nghĩ đến chuyện khi lị sở Nghệ An chuyển về Vinh, cũng có những việc di chuyển của nhiều dòng họ, quan lại về chốn trung tâm, và rồi chiến tranh, sự thay đổi dòng của con sông Lam dường như hiền hòa kia cũng khiến cho bao thôn, làng mất đất.

Điều khiến tôi xúc động là trong mấy người ở xứ Quảng ra hôm ấy là họ mang theo lá cây thuốc lá khô, cuộn tròn lại như dạng thuốc vê và hút, như để nhớ về cái gì đó mà đức tiền hiền của họ đã cố mang vào trong hành trang vào Nam. Cũng thật tình cờ, khi chúng tôi bước xuống đền Lê Lợi, thứ đầu tiên đập vào mắt chính là cây thuốc lá, những cây thuốc hoang moc trên bờ rào của mấy nhà dân cạnh đó. Cuộc tìm kiếm ngắn ngủi và không thành công, chỉ khẳng định được một điều: có một địa danh Hoa Viên ở Hưng Nguyên như gia phả của họ còn ghi lại.

Rời Hưng Nguyên, tôi chụp một bức ảnh về cây thuốc lá này, xa xa là cổng đền Vua Lê, hơn 30 năm trước, khi đắp con đê tả Lam, những người Nghệ ấu trĩ đã đắp chồng lên cột đền, để khi mở con đường sinh thái, như một định mệnh lại hiện ra. Nhưng vẫn còn đó sự xót xa của cái buổi đương thời.

Năm mới, post cái ảnh cũ và hi vọng nhà báo Điện Thắng sẽ tìm được về dòng họ ở xứ Hoa Viên/ Văn Viên ngày xưa đó, biết đâu cây thuốc lá sẽ tỏa làn khói thần kì dẫn dắt mọi người tìm đến nhau để gắn kết tình người trong cái thời buổi nhiều giá trị bị đánh mất như lúc này.

Nhận xét