Thọ Xương là Thọ Xương nào???


Đi trên phố Phủ Doãn, nếu để ý sẽ thấy một ngõ khá to nằm giữa Ấu Triệu, Ngõ Huyện và xa hơn một chút là phố Chân Cầm.
Nói Chân Cầm chắc nhiều người sẽ nhớ đến sẽ nhớ hàng miến lươn và đặc biệt là bia Sửu, nay đã chuyển địa điểm. Ngõ Huyện thì hồi trước là karaoke, nay là cà phê, đầu ngõ phía Lý Quốc+ Sư là hàng cháo sườn buổi chiều rất là đông khách.
Còn Ấu Triệu thì quá nổi tiếng nhờ …Nhà Thờ và các quán cà phê như La Palace.
Nhưng cái ngõ kia thì ít người để ý hơn, vì nó chẳng có gì đặc biệt, ngoài cái tên: “Ngõ Thọ Xương”.
Ngõ Thọ Xương là di sản còn sót lại của huyện Thọ Xương thuộc tỉnh Hà Nội.
Không biết ai đó trong chính quyền Hà Nội sau năm 1954 còn nhớ đến huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội mà đặt tên Thọ Xương cho cái ngõ này, vốn trước đó có tên Pháp là “ruelle Père Dronet”.
Thọ Xương là một địa danh hơi hơi lâu đời, trước là Vĩnh Xương, sau đến nhà Mạc đổi thành Thọ Xương và tồn tại mãi đến nhà Nguyễn. Thời Gia Long thì Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức. Đến thời Minh Mạng làm vua, cải cách hành chính đất nước, ông lập tỉnh Hà Nội, có bốn phủ (1831). Trong bốn phủ có phủ Hoài Đức, trong phủ Hoài Đức có huyện Thọ Xương, trong huyện Thọ Xương có phường Báo Thiên tức là khu Hồ Gươm Nhà Thờ bây giờ.
Cuộc cải cách hành chính sâu rộng của Minh Mạng đã gây ra sự bất mãn của đám quan lại và quý tộc địa phương, dẫn tới các cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, Phan Bá Vành và Nông Văn Vân, đã có tác động không nhỏ đến sự suy tàn và sụp đổ hẳn của Thăng Long.
Chỉ hơn 40 năm sau khi tỉnh Hà Nội được thành lập thì triều đình Huế ký hiệp ước Philastre với Pháp (năm 1874, sau cái chết của Garnier). Từ Hiệp ước này, người Pháp được mua đất và mở các cơ sở kinh doanh ở Hà Nội. Khu vực người Pháp mua chính là khu đất từ phía Hồ Gươm bên này (bên kia là khu phố thương mại hay còn được biết đến với tên Kẻ Chợ) kéo qua khu đầm lầy đến Đồn Thủy. Khu đất này chính là phần đất của huyện Thọ Xương (tương ứng với một phần Hoàn Kiếm và hầu hết phần Hai Bà Trưng + một phần Đống Đa ngày nay).
Một năm sau khi Riviere bị quân Cờ Đen bắn chết, tức là năm 1884, quân Pháp đánh quân nhà Thanh bật ra khỏi miền bắc, sau đó ký hiệp ước với triều đình Huế và chính thức biến Hà Nội thành vùng đất do chính phủ Pháp bảo hộ. Thọ Xương đương nhiên trở thành địa danh chết.
***
Dương Khuê (1839-1902) đã sống và làm quan nhà Nguyễn đúng vào thời kỳ này. Nhưng là ông quan chán đời, chán chính quyền và có tư tưởng chống Pháp. Sau 1884 thì ông từ quan để hưởng thú ăn chơi đặc biệt là món ca trù. Có lẽ ông vẫn nhớ đến huyện Thọ Xương và sự biến mất khi trở thành khu nhượng địa của người Pháp.
Rất có thể trong lúc đi ăn đi chơi, từ lúc làm quan đến lúc làm dân, từ miền trung ra miền bắc, ông đã vô tình biết hai câu thơ (hò?) Huế mà sau này năm 1918 ông Phạm Quỳnh đi chơi như là điền dã Huế đã chép lại và đăng trên Nam Phong. Dương Khuê đã giữ lại một câu, phóng tác câu đầu và viết thêm hai câu đuôi. Thế là ngày nay chúng ta có Hà nội tức cảnh hay còn gọi là Trăng nước hồ Tây.
Sở dĩ nói hai câu kia có gốc Huế bởi Thiên Mụ và Thọ Xương là hai địa danh cụ thể ở hai bên sông Hương, nghe chuông bên này nghe gà bên kia được. Khác với Trấn Vũ và huyện Thọ Xương không chỉ xa nhau mà Thọ Xương là một cái huyện to tướng không cân đối gì với một cái đền (Trấn Vũ) hay một cái chùa (Thiên Mụ).
Còn Thọ Xương ở Huế, có lẽ là một cái gò cao, hình như trên đó có nhà để nuôi các hoàng tử. Tên gọi “Thọ Khương Thượng Khố”. Khi Gia Long lên ngôi thì đổi tên thành Thọ Xương vì kỵ húy Hiếu Khương Hoàng Đế (1802). Khi Minh Mạng làm vua, ông lại đổi tên thành Long Thọ Cương (1824). Còn còn cái tên Thọ Xương thì Minh Mạng chỉ sử dụng cho huyện Thọ Xương ở tỉnh Hà Nội.
Bên này là chuông đêm của tháp chùa bảy tầng, bên kia sông, sau bờ (ngàn) sương khói, là tiếng gà lúc gần sáng của ngôi nhà quý tộc trên gò cao. Thế vừa là có lý vừa phảng phất không khí Phong kiều dạ bạc. Để rồi mấy chục năm sau câu hò ấy lạc bước ra Thăng Long để xuống Hồ Tây còn Phạm Quỳnh thì nhầm tưởng Thọ Xương là làng (thực ra có cái làng chài thật thì phải, tên là Thọ Khương nằm sát bên làng Nguyệt Biều).
Thế là từ Huế một câu thơ lạc bước ra Hà Nội. Một nhà gò sông Hương chuyển về tận hồ Tây. Chứ không phải là Phạm Quỳnh nhầm, đi chơi Huế mà nhặt hai câu lục bát Dương Khuê rồi bảo cứ bảo là của người Huế.
Hay nói cách khác, câu thơ gốc phải là của người Huế, và nguyên bản như sau: “Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ xương”.
***
Phạm Quỳnh viết (tháng 4 -1918 trên Nam Phong):
Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca.
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Dương Khuê sáng tác:
Trăng nước Hồ Tây
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương 
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây hồ
Bản dân gian sau này sưu tầm được ở Huế
Gió đưa cành trúc la đà, 
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương. 
Thuyền về xuôi mái dòng Hương, 
Biết mô tâm sự đôi đường đắng cay? (hoặc Có nghe/biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay)
Nôm na kết luận thế này. Một là Thọ Xương ở Huế có trước. Thọ Xương Hà nội có sau. Khi Dương Khuê sáng tác Hà nội tức cảnh thì cả hai địa danh này đều đã chết. Ở Huế chết trước, ở Hà nội chết sau. Hai là câu thơ Phạm Quỳnh chép lại, không phải do ông ấy bịa ra, mà ông ấy chép lại từ (câu hò?) của người dân kinh thành Huế. Tức là ở đây có thể có hai giả thuyết.
Giả thuyết 1: Dương Khuê đi chơi Huế, hoặc tình cờ sao đó, biết được hai câu hò Huế. Sau đó ông đã sử dụng một câu làm chất liệu để sáng tác bài thơ Hà Nội Tức Cảnh. Việc dùng material của văn hóa dân gian để đưa vào sáng tác mới là việc hết sức bình thường. Một ví dụ điển hình là Ngẫu hứng ngựa ô của Trần tiến.
Giả thuyết 2: Sáng tác gốc là của Dương Khuê, bị folklore hóa, rồi trở thành hò Huế. Việc một sáng tác bị folklore và trở thành tác phẩm dân gian khuyết danh là hết sức bình thường (Tát nước bên đàng, Anh đi anh nhớ quê nhà … là các tác phẩm như vậy). Nhưng folklore một bài thơ tả cảnh tỉnh lẻ Hà Nội mà đi vào kinh đô Huế để trở thành hò (dân ca) địa phương thì hơi khó.

Cop từ blog cô Beo, cô Beo cop từ blog 5 xu

Nhận xét