Về đạo Cương Thường

Bài của tác giả Sơn Mỹ (cụ Chất) đăng trên Chuyên san Khoa học XH và NV của Sở Khoa học và Công nghệ:

Cương thường là đạo của Nho gia đề xướng từ hàng nghìn năm trước, lấy “Tam cương - Ngũ thường” làm gốc. Đạo lý ấy “kỳ diệu ở chỗ, không chỉ một thời đại ,một quốc gia mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng tìm thấy ở đấy những chuẩn mực cơ bản để làm định hướng phát triển cho mình ”. Bởi có giữ đúng mực “Tam cương - Ngũ thường” thì nước mới hưng, nhà mới thịnh, xã hội mới phát triển.
“Tam cương” là 3 giềng mối quan hệ mật thiết sống còn của một quốc gia, một gia đình. Đó là mối quan hệ: Vua - tôi; Cha - con; Chồng - vợ: “Tam cương giả: Quan thần nghĩa; Phụ tử thân; Phu phụ thuận” (三綱者:君臣義;父子親;夫婦順)(1)
Ba mối quan hệ này, được xác lập bởi Đổng Trọng Thư (179-164 TCN), chuyên gia tư tưởng của Hán Vũ Đế (156-87 TCN). Trước đó, thời Khổng Tử (551 - 479 TCN), chỉ mới đề cập tới 2 cặp “Quân thần” và “Phụ tử” hai trụ cột chính Nước và Nhà, xác định rõ thứ bậc trước sau, trên dưới. Quân thần trước, phụ tử sau; Vua trên, tôi dưới; Cha trên, con dưới. Trật tự này, xét ra, không phải do ý chí chủ quan mà là một tất yếu khách quan.    
Người trên phải giữ đúng vai chủ trì, nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn: “Thượng bất chính, hạ tác loạn”. Chẳng thế mà, khi vua Cảnh Công nước Tề hỏi về cách cai trị, Khổng Tử đáp rằng: “Phải làm cho mỗi người đều làm tròn chức vụ của mình: Vua ở hết phận vua, tôi ở hết phận tôi; Cha ở hết phận cha, con ở hết phận con”.  Vua Cảnh Công khen rằng: “Ngài nói phải lắm. Nghĩ như: Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi; Cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, ở trong tình cảnh hỗn loạn như thế, dầu ta có thóc đầy kho, có chắc được ngồi yên mà ăn không?” (Luận ngữ, chương 12, câu 11.)
Về chữ nghĩa, theo nghĩa đen, “cương” (綱) là cái dây lớn của cái lưới, gọi là giềng lưới. Có nó mới dăng được lưới. Sợi dây ấy giữ vai trò chủ đạo.  
Vậy cho nên, suy rộng ra, trong một đất nước, một gia đình, một tổ chức, người đứng đầu là cái giềng của lưới. Thịnh suy thành bại đều từ kẻ đứng đầu, như Khổng Tử dạy từ 2500 năm trước.
“Cương” cần có “Kỷ”. Muốn đan thành tấm lưới, phải có cả dây bé. Dây bé, chữ Hán là “kỷ” (紀). Vì thế cho nên, phép tắc, điển chương của nhà nước được gọi là “kỷ cương” (紀綱). Như nay, “Kỷ cương xã hội là những thiết chê xã hội bao gồm hệ thống pháp luật, hệ thống quy ước xã hội nhằm vừa điều chỉnh, vừa giám sát hành vi của mỗi con người, của mỗi tổ chức mà hiện nay vấn đề này đang được coi là cực kỳ hệ trọng”.  
Nhân đây xin mở ngoặc: “Cương”(綱) trong “cương thường”, cương bộ mịch. Mịch là sợi dây, khiến ta liên tưởng tói sự ràng buộc; “Cương”(剛) trong “cương- nhu”, cương bộ đao, khiến ta liên tưởng tới sự cứng rắn. Cũng như 10 chữ “Cương” khác thông dụng hiện nay, đó là những từ đồng âm dĩ nghĩa, không hề có sự liên quan. Như 2 chữ “cương” vừa nêu trên, bản thân chúng khi đi theo một từ nào đó, lại có một ý nghĩa khác nhau; Trong khi, về quan niệm cũng không hẳn là tốt cả hay xấu cả.
Ví như: Cương bộ mịch (綱) có: Cương thường; Kỷ cương; Cương lãnh… (Danh từ); Cương bộ đao(剛) có: Cương nghị; Cương quyết… (Tính từ).
Chữ và nghĩa  “Tam cương” là vậy, còn “Ngũ thường”?
Ngũ thường là 5 đức tính của người ta: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Theo định nghĩa: “Nhân”: Lòng thương người; “Nghĩa”: 1,Việc theo đường lối, như nghĩa vụ công dân; 2,Việc nên làm. Ví dụ: “Kiến nghĩa bất vi phi dũng giả” (Thấy việc đáng làm mà không làm là người hèn nhát); “Lễ”: Cách bày tỏ lòng thành kính; “Trí”: Hiểu rõ sự lý; “Tín”: Đức tin, sống thành thực để người tin mình.
Mới nghe, ta cứ nghĩ, đây là chuyện xưa của thời vua chúa, không hợp với thời nay. Hẵng cứ cho là vây. Song, nghiệm ra, xưa nay, triều đại nào, quốc gia nào, “vua ra vua - tôi ra tôi” thì triều đại ấy, quốc gia ấy hưng thịnh. Tôn tộc nào, gia đình nào, “cha ra cha - con ra con” thì gia đình ấy yên vui, hạnh phúc. Bằng không, thì ngược lại.
Đối với gia đình, dù nghèo khó nhưng cha con vợ chồng hòa thuận, ắt nhà cửa vẫn yên vui, con cái học hành chăm chỉ, từ đó tạo cơ hội đi lên;
 Đối với đất nước, khi gặp họa xâm lăng, dù là một nước nhỏ bé đứng trước kẻ thù hung bạo, như vua tôi nhà Trần, vào những năm đầu thế kỷ 13, đương đầu với  đội quân mà  “Vó ngựa xâm lăng của chúng , đạp tới đâu thì mặt đất ở đó như đang chuyển động, bình nguyên bao la bị xéo nát,  nghe tiếng quân Tactar kéo đến, các quốc gia ở đó, chỉ có một con đường duy nhất, là giơ tay đầu hàng” (2), thì, trên sông Bạch Đằng, toàn bộ 8 vạn quân tinh nhuệ đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống, kể cả Ô Mã Nhi, tên nguyên soái chỉ huy, khét tiếng, của chúng.
Lịch sử nối trang, sau 10 năm dựng cờ khởi nghĩa “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”: “…Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phất phới; Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào (Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập/ Đầu lao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm) (揭竿為旗,氓隸之徒四集/投醪饗士,父子之兵一心)
Nhờ vậy mà Khởi nghĩa Lam Sơn đã đi tới đích: “… Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mớiCàn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Ngàn năm vết nhục sạch làu/ Muôn thuở nền xuân rạng rỡ…” (… Xã tắc dĩ chi điện an/ Sơn xuyên dĩ chi cải quán/ Càn khôn ký bĩ nhi phục thái/ Nhật nguyệt ký hối nhi phục minh/ Vu dĩ khai vạn thế chi cơ/ Vu dĩ tuyết thiên cổ vô cùng chi sỉ) (Bình Ngô đại cáo)
Những trang lịch sử oai hùng của dân tộc luôn gắn tên tuổi Vua - tôi của các vị minh quân, các vị trung thần kiệt xuất; những gương tốt việc tốt phần lớn đều được hình thành từ những con nhà giữ nếp gia phong. Xưa cũng như nay, ở đâu cũng thế.
Nhân đọc bài “Bàn thêm về đạo Cương thường” trên KHXH&NV NA số 3 tháng 4/ 2012, xin góp phần “Bàn thêm...”, có gì xin được lượng thứ. 
                                                                                                               
Chú thích:
(1). Sách Tam Tự Kinh, cuốn sách “vỡ lòng” của lối học chữ Nho ngày trước, từ thời Tống, về sau, các triều đại Minh Thanh có bổ sung  phần Lịch sử các triều đại Trung Hoa.                                                                                                   
(2). Nguyên Mông bí sử ( Theo Almanach những nền văn minh thế giới, tr267/2048)

Bàn thêm về đạo “Cương thường”...

Đã từ lâu, ít nhất một lần, Nho giáo rất coi trọng đạo đức, cho rằng mọi việc bắt đầu từ đức, đức sáng mọi việc dễ thành công. Trong lịch sử, nhà nước phong kiến quản lý xã hội bằng nhiều cách trong đó có Vương đạo là một cách được coi trọng. Vương đạo là dùng đức để trị, thu phục mọi người để quản lí xã hội. Vương đạo chủ trương thuộc người hiền đức, cắt đặt người hiền tài có năng lực (cử hiền dữ năng). Mặc Tử viết: “Thượng hiền sự năng vi chính” là tôn trọng người có đức, dùng người có tài năng làm chính sách.
Nho giáo lấy “ngũ luân” là đạo, “ngũ thường” là đức. “Ngũ luân” biểu thị năm mối quan hệ xã hội: vua tôi - cha con - vợ chồng - anh em - bạn bè. “Ngũ thường” là nội dung cốt lõi của các mối quan hệ đó, bao gồm: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. “Ngũ luân” và “Ngũ thường” gọi tắt là đạo “Luân thường”.
Về sau, sách còn gọi là “tam cương, ngũ thường”. “Cương” là mạnh, cái cốt lõi, quyết định. Nhu là yếu. “Tam cương” là ba cái rường cột cơ bản, đó là quan hệ: vua tôi - cha con - vợ chồng. Hai mối quan hệ: anh em - bạn bè không được gọi là “cương” nhưng cũng không thấy sách nào gọi là “nhu”.
Dù cách gọi thế nào, thì “ngũ thường” là: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, không có gì thay đổi. Vì vậy, sách còn gọi “Tam cương, ngũ thường” là đạo “Cương thường”. “Ngũ thường” là đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). “Lễ” chỉ là một nội dung của “đức”. “Đức” bao hàm “lễ”. Vì lẽ đó, một môn đệ của Khổng Tử sau này là Á thánh của ông, nói rằng: “Lễ” là hợp lý, nếu cho rằng “lễ” là “đức” thì khi xét trật tự “quân, sư, phụ” (vua - thầy - cha) trong xã hội phong kiến thấy hết sức ngặt nghèo, ngày nay ít nhiều có điểm vẫn phù hợp.
Triết học phương Tây trừu tượng, có tính duy lí cao, khó hiểu. Câu chuyện lúc Hegel hấp hối trên giường bệnh, nói rằng: Trong tất cả các học trò của tôi chỉ có một người hiểu được triết học của tôi. Mọi người chờ đợi người xuất chúng đó là ai? Hegel nói trước khi trút hơi thở cuối cùng: Nhưng hắn đã hiểu sai rồi!
Triết học phương Đông, như triết học Khổng Tử thì cụ thể, dễ hiểu, vì ông chủ trương “hữu giáo vô loài”, tức chọn phương tiện nào vừa tầm đại chúng để truyền bá, nhẹ nhàng đến với bình dân thiên hạ, thường gặp, như câu ca: “Chẳng tham ruộng cả ao sâu/ Tham vì anh Tú lắm râu mà hiền”. Mặc dù Khổng Tử rất coi trọng “Kinh thi”, cho đó là tay phải, nhưng đồng thời Khổng Tử cũng coi “Kinh lễ” là tay trái. Đây là hai yếu tố để tu luyện con người. Về sau “Lễ” ngặt nghèo, gò bó, câu thúc, làm tê liệt mọi sáng kiến cá nhân, kìm hãm sự phát triển của xã hội… dần dần suy thoái, mãi đến thời Đổng Trọng Thư, Vương Sung, Trịnh Tử,… mới phục hồi và hết sức coi trọng đi đến thượng “Lễ”. Theo đó “Lễ” đặt trước “Tình” (văn). Còn trước đó, như chúng ta biết, trong luận ngũ “Lễ” đến sau mà ta thường gặp trong các câu “Bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ”, hay câu “Lễ hậu hồ”. Như vậy, con người trước hết phải trung tín sau đó rồi mới đến “Lễ” cũng có thể hiểu như một lễ nghi, lễ tiết, lễ phép,… có hệ thống nguyên tắc bắt con người phải tuân theo, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người.
Ở Việt Nam ta, từ xa xưa, cha ông ta đã rất coi trọng đức tài. Trên một tấm bia vào loại cổ nhất (năm 1442) tại khu Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội có ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia; nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy…”. Các nền văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu xa tư tưởng Không Tử. Đó là sự tôn vinh học vấn, coi việc chính tâm tu dưỡng và chuyên cần học tập là con đường chắc chắn dẫn đến đức hạnh và tài năng.
Ngày nay, đất nước ta đã được thống nhất, hòa bình, đổi mới và phát triển đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, vị thế nước ta ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn nhiều yếu kém, khuyết điểm cần được khắc phục. Đặc biệt, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tham nhũng, tha hóa tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,… làm giảm nghiêm trọng uy tín của Đảng và Nhà nước ta đối với nhân dân. Lúc còn sống, Bác Hồ hết sức coi trọng vấn đề đạo đức của cán bộ. 3 năm trước khi Đảng ta được thành lập, Bác Hồ đã dày công mở lớp đào tạo cán bộ với nội dung mà tác phẩm nối tiếng “Đường cách mệnh” của Người phản ánh, trong đó, nội dung đầu tiên, cơ sở quan trọng nhất là chương: Đạo đức cách mệnh. Vì vậy, nghiên cứu đạo “Cương thường” có ý nghĩa tích cực trong việc nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Cần kiệm liêm chính; Chí công vô tư, góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 Bùi Đình Sâm

Nhận xét