Ngày 04/6/2012, Báo điện tử Dân trí có đăng bài của tác giả Trần Tử Quang (thư viện Nghệ An) về đền thờ Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm, nội dung bài như sau:
(Dân trí) - Ngôi đền được xây dựng từ khi Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm vẫn còn sống, thể hiện sự sủng ái của triều đình và tấm lòng ngưỡng vọng của người dân đối với ông. Thế nhưng, trải qua bao biến thiên lịch sử, ngôi đền đang dần chìm vào quên lãng.
Đền thờ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm lẫn khuất sau đám cây bụi
Ông là tể tướng nổi tiếng triều Lê, kiêm tài văn võ, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Tế Tửu Quốc tử giám, Hàn Lâm viện Thừa chỉ. Đến đời Chúa Trịnh Sâm, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, tước Xuân Quận công. Đặc biệt năm 1774, khi mở cuộc nam tiến bình định Thuận Hóa Quảng Nam, Ông lại được chúa Trịnh vời về kinh và sung chức Tả tướng, theo Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt đem quân đi đánh Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, xóa bỏ ranh giới 2 miền sau hơn 200 năm chia cắt. Sau khi ông mất, triều đình phong Thượng đẳng Phúc thần, giao cho 4 xã phụng thờ và quốc gia tế lễ. Ông còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng và là nhà sử học với nhiều lời bàn trong Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên. Đặc biệt, ông là thân sinh của Đại thi hào Nguyễn Du.
Năm 1741, ngay cả khi ông còn sống, ngôi đền thờ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (còn gọi là đền Đại Vương Hai) đã được xây dựng tại xã Tiên Điền. Việc xây dựng ngôi đền này đã thể hiện sự ủng ái của triều đình cũng như sự ngưỡng vọng của nhân dân ông. Tuy nhiên trải qua thời gian cũng như sự tác động của ngoại cảnh, ngôi đền hiện nay không còn giữ được vẻ uy nghiêm như trước, thay vào đó là cảnh tượng tiêu điều, lạnh lẽo. Năm 2002, bộ VH-TT đã trùng tu tôn tạo lại các hạng mục của đền, phục chế lại các bức đại tự và câu đối. Nhưng từ đó đến nay, một lần nữa ngôi đền này lại chìm vào quên lãng.
Khu chính điện thờ
Đền không có biển giới thiệu di tích, lạ hơn nữa là ngôi đền nằm trong quần thể khu di tích Nguyễn Du nhưng lại không có cán bộ trông coi, cũng không có Thủ từ hương khói và quét tước hàng ngày. Theo sử sách để lại, trước đây ngôi đền có diện tích hơn 2.300m2 nhưng hiện nay đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Bên cạnh đền là trạm điện chằng chịt ổn áp trông rất mất mỹ quan. Bên ngoài tường bao cây cối ngả nghiêng còn bên trong thì cỏ dại dây leo mọc um tùm kín lối.
Toàn cảnh ngôi đền thờ với kết cấu khá đơn giản với kiến trúc hình chữ nhị gồm bái đường và hậu cung. Nhà bái đường với những cột kèo đang dần bị rêu xanh bám phủ dẫn đến mục nát và hư hỏng. Phần dưới hương án được xây kín bằng xi măng còn bên trên thì phủ đầy tơ nhện. Trên bái đường trở thành nơi gác chiếc kiệu rồng, câu đối. Theo quan sát của chúng tôi thì chiếc kiệu và những câu đối này đều làm bằng chất liệu gỗ có chất sơn đỏ, những chữ Hán khắc trên đó đều rất mềm mại và tinh tế theo lối Hành Thảo đời Nguyễn sơ. Chứng tỏ đây đều là những hiện vật gốc có giá trị từ lâu đời nhưng đáng tiếc lại không được quan tâm bảo tồn, gìn giữ.
Khu hậu cung rêu mốc bám đầy tường, cửa mở suốt ngày làm mất vẻ trang nghiêm của ngôi đền
Điều khiến ai cũng thấy xót xa nhất chính là cảnh tượng ảm đạm và lạnh lẽo ở toàn bộ hậu cung của ngôi đền. Cửa hậu cung mở ra thường xuyên và chẳng có người trông coi để đóng lại, làm mất đi tính trang nghiêm tôn kính của cả ngôi đền. Trên mặt tường rêu xanh đã phủ kín, loang lổ mốc meo. Dọc các trụ đều có các câu đối bằng chữ Hán theo kiểu chữ Triện nhưng do rêu mốc đã phủ kín nên không còn đọc được các câu đối cổ này. Phía trên mái ngói, cây bụi nhỏ mọc um tùm. Quang cảnh bên trong hậu cung trông rất tối tăm và ẩm thấp. Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm khi mất được triều đình phong Thượng đẳng Phúc thần và gọi là Đại Vương Hai nhưng trong đền thờ hiện nay không có chân tượng và long ngai, ngay cả bài vị cũng không hề có. Đền hiện chỉ có bộ hương án cổ bằng đá, các đồ tế khí khác như bát bảo, lọng tàn đều không có khiến ngôi đền càng thêm lạnh lẽo.
Trên các hương án bài trí rất sơ sài, sai quy cách và có phần lộn xộn khi đặt quá nhiều lư hương và đem cả tượng của Quán thế âm Bồ Tát vào thờ. Trước đây đền thờ có rất nhiều bức hoành phi đại tự ngợi ca thân thế sự nghiệp của Xuân quận công nhưng hiện nay đều không còn giữ được. Trong hậu cung chỉ còn duy nhất một bức hoành phi “Dịch thế thư hương” và đôi câu đối “lưỡng triều danh tể tướng - nhất thế đại Nho sư” nhưng đáng tiếc đây đều là những hiện vật phục chế, phải là hiện vật gốc.
Hiện vật gốc có giá trị nhất của ngôi đền hiện nay phải kể tới 2 bức tượng võ quan đứng chầu đúc với tỉ lệ 1/1 với trang phục, binh khí nhất quán với các pho tượng thời Lê Trung Hưng thường thấy ở các ngôi mộ quý tộc triều Lê ở Thanh Hóa cũng như nhiều di tích cùng niên đại khác ở Đồng bằng Bắc bộ. Ngoài ra còn có đôi voi ngựa chầu ở cổng cũng có phong cách tạo tượng thời Lê Trung Hưng, khớp với lối tạo tượng voi ngựa tại lăng Dinh Hương tỉnh Bắc Giang. Các bức tượng này đều được tạo hình rất tinh xảo. Trên địa bàn Nghệ Tĩnh hiện nay các bức tượng gốc thời Lê Trung Hưng còn lại rất ít, chính vì vậy những hiện vật này là những tài sản đặc biệt quý hiếm cần bảo tồn.
Theo đại diện của BQL khu di tích Nguyễn Du thì quần thể khu di tích hiện nay có rất nhiều công trình cần bảo tồn nhưng do kinh phí còn quá hạn hẹp nên chỉ mới tập trung quản lý, xây dựng và tôn tạo ở khu vực chính của khu di tích. Còn một số di tích khác như đền Đại Vương Hai hay đền Đại Vương Ba (đền thờ Nguyễn Trọng, em ruột Xuân Quận công) thì phối hợp dòng họ Nguyễn Tiên Điền quản lý. Chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Mậu, tộc trưởng họ Nguyễn Tiên Điền thì được biết: “Hiện nay con cháu trong dòng họ kinh tế còn rất khó khăn và đi làm ăn ở xa nên chưa có điều kiện để chăm sóc và tôn tạo đền thờ được trang hoàng đẹp đẽ".
Bàn thờ tạm bợ
Cùng nằm trong quần thể di tích, cách đền Xuân Quận công chỉ khoảng gần 1km là khu lăng mộ của ông. Khu mộ là một khu đất phẳng được vây quanh bằng tường rào thấp, không có bia mộ cũng như chi tiết trang trí nào khác nên trông rất quạnh quẽ trơ trọi. Theo cụ Nguyễn Mậu thì chính Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm đã dặn con cháu táng chìm để tránh kẻ xấu phá hoại”. Trải qua thời gian mưa nắng bào mòn khu vực mộ lộ ra một ngôi mộ táng bằng vữa tam hợp rộng khoảng 10m2 . Đến năm 1993, một Việt kiều đã công đức một số tiền rất lớn để xây dựng tường rào cũng như đặt một số chi tiết. Tuy nhiên khu mộ hiện nay vì không có cổng chắn bảo vệ nên bị trâu bò vào phá hoại một số chi tiết.
Trao đổi thêm với chúng tôi, cụ Nguyễn Mậu còn cho biết khu di tích Nguyễn Du do Ban quản lý khu di tích phối hợp với dòng họ trong việc quản lý, bảo vệ cũng như xây dựng. Tuy nhiên điều này lại không được thực hiện một cách đầy đủ và đúng nghĩa. “Mỗi khi có việc liên quan tới Tổ tiên cũng như di tích, Ban quản lý di tích không hề báo cho dòng họ biết. Những cuộc hội thảo, những đợt trùng tu, Ban quản lý đều im lặng và tự ý làm mà không hề thông qua chúng tôi. Đây là việc tâm linh nên phải thận trọng”, cụ Mậu tỏ ra bức xúc.
Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm là danh nhân nổi bật trong lịch sử dân tộc, một vị Tể tướng văn võ song toàn có nhiều cống hiến. Đền thờ ông với lịch sử lâu đời và những hiện vật có giá trị xứng đáng là một trong những di tích trọng điểm cần được quan tâm bảo tồn để đề ghi nhận những đóng góp lớn lao của ông cho đất nước. Thế nhưng, nhìn vào khung cảnh hoang tàn, lạnh lẽo của nơi thờ tự Xuân Quận công, nhiều người không khỏi ngậm ngùi, xót xa.
Một số hình ảnh mà tôi copy thêm được trên facebook của anh Tử Quang:
Sau đó, tôi đã gửi e-mail qua hộp thư của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, là hộp thư của ông Nguyễn Thiện - PCT phụ trách khối Văn xã, Phó Văn phòng Văn xã Phan Đình Nghiệm, mặc dù không biết nhau nhưng qua thông tin, các ông đã ban hành công văn chỉ đạo kiểm tra, báo cáo việc báo nêu.
Ảnh chụp e-mail tôi gửi cho Uỷ ban tỉnh Hà Tĩnh |
Công văn giao kiểm tra do ông Phan Đình Nghiệm ký. |
Trân trọng tinh thần làm việc của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Hi vọng đền đại vương Hai sẽ sớm khang trang.
Nhận xét
Đăng nhận xét