NÊN BỎ KÌ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


Năm 2004, tôi tham dự kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), hội đồng thi chỉ bao gồm học sinh trong trường, thầy Phó Hiệu trưởng và một số giáo viên được bố trí ở lại để cùng tham gia công tác coi thi, đảm bảo an ninh, y tế… Năm đó, giáo viên tại một huyện bạn về coi thi. Ngay từ khi làm danh sách phòng thi, chúng tôi đã biết cách sắp xếp học sinh vào từng phòng. Các bạn lớp chọn được chia ra cho các phòng, đảm bảo phòng nào cũng có người làm được bài của 6 môn thi tốt nghiệp.
          Trong ba ngày thi, chúng tôi thực sự rất thoải mái trong việc làm bài. Những môn như Văn, Sinh học được sử dụng tài liệu thoải mái, còn Toán, Hóa, Tiếng Anh thì ai làm xong vẫn bình thường chuyền bài cho nhau… Kết quả thi năm đó trường THPT chúng tôi học đạt tỷ lệ gần 100%, chỉ có 1 bạn hỏng thi vì ốm không tham dự được. Kết quả này cũng tương đương những năm trước, cách thức thi cũng vậy, trừ một số năm như 1998 đề Sinh học quá khó hay bị lộ đề Toán dẫn đến phải thi lại môn này. Bên ngoài thì thầy cô như những người bảo vệ, hễ thấy đoàn xe nào biển xanh bóp còi vào trường là ở trong tài liệu được giấu hết…
          Trong quan niệm của người dân, tốt nghiệp THPT là một mốc quan trọng, nó còn được ghi trong mục “Trình độ văn hóa” của Lý lịch khi đi xin việc, hồ sơ cán bộ này nọ, do đó ai cũng muốn đậu, đậu tốt nghiệp để "đủ văn hóa 12/12", đậu để còn thi đại học, thi học nghề, tấm bằng tốt nghiệp mà trước đây gọi là bằng Tú tài giống như một CHỨNG CHỈ VÀO ĐỜI. Tôi cho rằng qua 12 năm học tập, nó cũng nên được cấp cho mọi học sinh đạt học lực trung bình, cho những học sinh chỉ cần đến lớp đều đặn và không có hạnh kiểm kém là được. Nó - CHỨNG CHỈ VÀO ĐỜI ấy- đủ để cho các em học sinh qua hơn 12 năm học tập được có cho mình một tấm thông hành để học nghề, đủ lo cho mình bằng chính sức lực của mình. Dĩ nhiên, có nhiều người không có bằng THPT nhưng vẫn giàu có, vẫn làm chủ nhiều người có bằng đại học, thạc sĩ... đó lại là chuyện khác.
          Đến năm 2006, khi những clip của cựu giáo viên Đỗ Việt Khoa được phát tán lên mạng, ngành Giáo dục nổi lên phong trào 2 “không”: Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Năm 2007, nhiều học sinh lớp 12 khốn khổ vì trượt tốt nghiệp, một ước mong của các em là được học nghề để đi làm công nhân cũng bị hoãn lại, chờ kì thi đợt 2. Xã hội thêm một khoản tốn kém tổ chức thi, các em mất đi cơ hội học tập, nhưng quan trọng là phong trào đi qua rồi đâu lại vào đó, chúng ta không thể thay đổi những căn bệnh trầm kha trong giáo dục một sớm một chiều, cũng như không thể mất đi những hình ảnh phao thi trắng sân trường sau mỗi kì thi tốt nghiệp, hay những câu văn ngô nghê mà giáo viên chấm thi lượm lặt được sau mỗi kì chấm thi. Sự không đồng bộ ở một hệ thống giáo dục, khi mà mục đích “dạy tốt, học tốt” hay “thầy ra thầy, trò ra trò” vẫn mãi là khẩu hiệu, và những kì thi mãi là hình thức.
          Chúng ta cần nhìn lại những kì thi hiện nay, nếu cấp Trung học cơ sở không còn thi tốt nghiệp và thay vào đó lại là kì thi vào lớp 10, sự thay thế mà biện minh là phổ cập trung học cơ sở đã dẫn đến mất đi một kì thi đáng có, đáng lẽ nên làm như ngày trước, sử dụng luôn kết quả thi tốt nghiệp THCS để xét tuyển vào lớp 10 nay lại tổ chức kỳ thi khác, càng căng thẳng và tốn kém cho xã hội hơn. Còn cấp THPT, theo tôi đã đến lúc bỏ hẳn kì thi này, hoặc nếu có chỉ là những bài thi, bài sát hạch đơn giản, các trường dựa vào bảng điểm 12 năm học của một học sinh để làm căn cứ quan trọng để xét tốt nghiệp THPT. Hãy cấp cho các em học sinh sau 12 năm đi học một chứng chỉ vào đời, từ đó các em có thể tự quyết định bằng những kì thi đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Nếu năm nay không có Bắc Giang thì sẽ có những trường khác phát tán clip, mà đúng hơn là tất cả các hội đồng thi đều có tiêu cực. Chúng ta mải mê với những phong trào để rồi kết quả của các phong trào ấy là học sinh, phải thi đi, thi lại, lãng phí nhiều tiền của cho công tác đảm bảo an ninh.
          Chúng ta không thể thay thế nền giáo dục này trong một vài năm,  Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy nhìn vào sự thật để đi đến quyết định cuối cùng, tôi nghĩ không có gì hay hơn bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, khi đó sẽ hết tiêu cực, gian dối, sẽ không còn những Đỗ Việt Khoa dở dở ương ương suốt ngày đi tố cáo, khiếu nại này nọ, ảnh hưởng đến biết bao học sinh.

Nhận xét