Luật Biển của Việt Nam làm Trung cộng nổi đóa



Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974 và được chính quyền Bắc Kinh gọi là Tây Sa (Xishe)
Hôm qua, ngay sau khi Quốc hội Việt nam thông qua Luật biển, bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu đại sứ Việt Nam tới nghe phản đối. Theo giới phân tích, pha biểu diễn «cơn thịnh nộ của thiên triều» không dọa được dân chúng Việt Nam, mà còn cho thấy Bắc Kinh e dè pháp lý, một nhược điểm của kẻ chỉ biết dùng sức mạnh. 

Theo phân tích của nhật báo Mỹ The New York Times, trong một « pha biểu diễn quyết tâm » đối đầu với mọi tranh chấp tại « Nam Hải », Trung Quốc đã đả kích một cách mạnh mẽ Việt Nam thông qua Luật biển khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngay sau khi Luật biển được Quốc hội Việt Nam thông qua, đại sứ Nguyễn Văn Thơ tại Bắc Kinh đã bị bộ ngoại giao Trung Quốc triệu mời nghe phản đối « luật biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại Tây Sa và Nam Sa là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc » và « Trung Quốc cực lực chống lại ».
Đây là lần đầu tiên Việt Nam trang bị cho mình một vũ khí pháp lý bảo vệ biển đảo sau khi Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974 lúc đất nước phân đôi và một phần Trường Sa bị rơi vào tay Trung Quốc năm 1988.
Dự luật này đã bị dời đi dời lại nhiều năm liền trước khi bất ngờ được biểu quyết hôm qua 21/06/2012. Trong những ngày qua, giới thạo tin tại Hà Nội còn báo động là Bắc Kinh gây sức ép để ngăn chận.
Thái độ giận dữ của Trung Quốc được biểu lộ hai tuần trước khi diễn ra hội nghị cấp ngoại trưởng của Hiệp Hội Asean tại Phom Penh, mà trong đó có sự tham dự của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Theo New York Times, hồ sơ tranh chấp biển Đông sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự.
Bắc Kinh cũng gấp rút ban hành một số biện pháp hành chánh trong mưu toan đặt quốc tế và các nước láng giềng trước sự đã rồi : tuyên bố nâng cấp địa bàn gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ( mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) và đảo Macclesfield Bank của Philippines ( mà Trung Quốc gọi là Trung Sa ), thành « Địa cấp Tam sa thị », lớn hơn huyện nhưng nhỏ hơn tỉnh.
Cũng trong kế hoạch biến Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc tiếp tục duy trì tàu ngư chính và tàu đánh cá bên ngoài vùng bãi đá ngầm Scarborough của Philippines, sau hơn hai tháng biểu dương sức mạnh.
Theo nhận định của New York Times, hội nghị diễn đàn an ninh khu vực tại Phnom Penh trong hai tuần tới sẽ mở ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông và tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, chưa rõ Việt Nam và Philippines sẽ được Hoa Kỳ hậu thuẩn cụ thể ra sao. Nhưng Việt Nam đã chủ động đặt Trung Quốc « trước sự đã rồi », khẳng định chủ quyền biển đảo bằng một đạo luật quốc gia.
Cũng chưa biết là quân đội Việt Nam sẽ bảo vệ ngư dân và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến đâu, nhưng ít ra những người có trách nhiệm cầm súng bảo vệ quốc gia hay đàm phán trên bàn hội nghị kể từ nay có trong tay những cơ sở pháp lý.
Trong vấn đề biển Đông, khi nói đến pháp lý, Bắc Kinh hoàn toàn không đưa ra được một chứng cứ nào để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.Có lẽ đây là lý do khiến cho Bắc Kinh « nổi cơn thịnh nộ » và de dọa chống lại luật biển của Việt Nam một cách kịch liệt.
Đối với người dân Việt Nam, nhất là những người quan tâm đến sự tồn vong của đất nước, lời dọa nạt của Bắc Kinh không làm họ lo sợ. Luật biển là ngọn gió làm giới thanh niên sinh viên lên tinh thần . Trên mạng « Nhật Ký Yêu Nước » đã xuất hiện lời kêu gọi biểu tình vào chủ nhật 01/07/2012 tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sàigòn, như cách nay đúng một năm về trước.


Theo Tú Anh - Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI)

Nhận xét