Dọn cỏ (1): Nghịch cảnh dâng hương nơi di tích (báo Tầm nhìn điện tử)

Nguyên văn trên tamnhin.net (20:40 ngày 27/5/2011):
http://tamnhin.net/VanhoaSuckhoe/21073/Nghich-canh-dang-huong-noi-di-tich.html


Nghịch cảnh dâng hương nơi di tích



(Tamnhin.net) – Trước giờ khai mạc giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng, HLV và các VĐV nhí huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã “hồn nhiên” diện quần đùi dâng hương trước di tích tâm linh.
Các thành viên đội bóng thiếu nhi huyện Thanh Chương (HLV đứng giữa), “diện” quần đùi vào dâng hương trước di tích đền Bà Chúa Kho. (ảnh baonghean.vn).

Theo Báo Nghệ An ngày 26/5/2012, trước trận khai mạc vòng loại cụm 2 giải Bóng đá thiếu niên nhi đồng cúp Báo Nghệ An năm 2012 diễn ra tại Thanh Chương, HLV và VĐV đội chủ nhà đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại thị trấn Dùng và di tích đền Bà Chúa Kho tại xã Thanh Đồng.          

Hoạt động dâng hương tưởng niệm Liệt sỹ có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, giáo dục ý thức truyền thống cho thế hệ trẻ. Việc tổ chức dâng hương tại Đài Liệt sỹ trước giờ khai mạc giải bóng đá có thể xem là phù hợp.

Tuy nhiên điều khó hiểu là tại sao lại tổ chức cho các em học sinh dâng hương trước một di tích tâm linh khác là đền Bà Chúa Kho trước giờ khai mạc giải bóng đá?       

Giải bóng đá thiếu nhi là một hoạt động thể thao hiện đại, nhằm tạo sân chơi vui vẻ cho trẻ em vào dịp hè, không liên quan gì đến văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cổ truyền nên việc dâng hương tại di tích tâm linh đền Bà Chúa Kho quả là chuyện “lạ”. Di tích này cũng không nằm trên địa bàn thị trấn hay gần sát với Đài tưởng niệm Liệt sỹ huyện nên lí do vì gần gũi tiện đường nên sang thắp hương luôn cũng bị loại trừ.                                    

Chi tiết gây “sốc” là các thành viên đội bóng chủ nhà “diện” quần đùi vào dâng hương trước di tích đền Bà Chúa Kho.             

Dâng hương tưởng niệm tổ tiên, các bậc tiên liệt, anh hùng, thần linh là hành vi tín ngưỡng, theo phong tục bao đời nay phải được thực hiện một cách trang trọng, thành kính, ai tham gia phải quần áo chỉnh tề.     

Việc mặc quần đùi để dâng hương, cho dù vì bất cứ lí do gì đều không thể chấp nhận được, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với anh linh người đã khuất, với thần linh. Hành động như vậy rất phản cảm, phản giáo dục, thiếu văn hóa, nhất là đối với các em nhỏ.                             

Nếu muốn dâng hương ở di tích tâm linh, thì đúng ra phải tổ chức dâng hương ở di tích đền Bạch Mã (xã Võ Liệt), một trong những di tích linh thiêng nhất của xứ Nghệ, nơi thờ tướng Phan Đà, người anh hùng đã hi sinh vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm (quân Minh) vào thế kỷ XV.

Giả sử dâng hương với tư cách cá nhân thì tùy vào suy nghĩ, tín ngưỡng của mỗi người, còn đây là dâng hương với tư cách một tập thể, một tổ chức nên không thể tùy tiện.

Phải chăng vì nghe nói di tích Bà Chúa Kho “thiêng” nên đội bóng tổ chức dâng hương mong muốn được “phù hộ” để  giành chiến thắng?

Nếu quả như vậy, thì thật đáng lo cho nhận thức, đời sống tinh thần của xã hội thời nay.

Hồng Lam


Thưa anh/chị Hồng Lam!
Viết báo phản biện vấn đề xã hội là rất tốt, nhưng đòi hỏi người viết phải có cái tâm và một cái nhìn văn hóa.
Nếu Hồng Lam hay xem bóng đá Nghệ An, thì vẫn nghe đến chuyện một công nhân làm đèn cao áp cho SVĐ Vinh không may rơi xuống và qua đời. Thế là thành cái lệ ở Sông Lam có cái bàn thờ thờ anh công nhân xấu số, và trước mùa giải hàng năm ông Nguyễn Hồng Thanh cũng làm cái lễ tươm tươm đi cầu sao giải hạn, chuyện đó ở xứ ta là bình thường.
Tôi có một số ý kiến đóng góp cùng nhà báo về bài báo này.
Thứ nhất, nhà báo viết đền Bà Chúa Kho ở Thanh Đồng, Thanh Chương là không đúng. Đây là đền Bà Chúa, đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh/ thành phố. Huyện, xã đã tổ chức lễ đón nhận trọng thể, nếu cần nhà báo có thể lên google chấm Đền Bà Chúa.
Thứ 2, nhà báo viết: "Di tích này cũng không nằm trên địa bàn thị trấn hay gần sát với Đài tưởng niệm Liệt sỹ huyện nên lí do vì gần gũi tiện đường nên sang thắp hương luôn cũng bị loại trừ" là hoàn toàn sai lầm. Đền Bà Chúa ngay sát thị trấn Thanh Chương, cách Đài tưởng niệm Liệt sĩ huyện khoảng hơn 500m, nghĩa là rất gần chứ không phải là không tiện đường nhà báo ạ. Rất tiện cho các em vì gần, giải ở thị trấn Dùng, không ảnh hưởng đến sức khỏe các em cầu thủ nếu đến đền Phan Đà mà anh nói rất thiêng, đền đó nằm cách nơi tổ chức giải gần 10km.
Thứ ba, nhà báo viết "Nếu muốn dâng hương ở di tích tâm linh, thì đúng ra phải tổ chức dâng hương ở di tích đền Bạch Mã (xã Võ Liệt), một trong những di tích linh thiêng nhất của xứ Nghệ, nơi thờ tướng Phan Đà, người anh hùng đã hi sinh vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm (quân Minh) vào thế kỷ XV", cái này tôi cho cũng không đúng, nếu muốn tỏ lòng thành kính tiền nhân, muốn thực hiện nghi lễ tâm linh thì cần gì phải đến đền thiêng nhất xứ Nghệ, đền Bà Chúa là một ngôi đền có lịch sử lâu dài, đã được cấp bằng di tích, Bà Chúa cũng có công trạng mới được thờ tự ở nơi này. Mời nhà báo xem bài viết này trên VOV:

Di tích lịch sử - văn hóa đền Bà Chúa (Nghệ An)


Ngày 23/9/2009, tại xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã diễn ra lễ hội đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hoá đền Bà Chúa.
Đền Bà Chúa là một công trình kiến trúc tôn giáo được nhân dân khởi dựng lên để thờ Tam toà Thánh Mẫu (Bà Chúa Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn và Mẫu Thoải), về sau đền còn phối thờ thêm các nhân thân có công với đất nước gồm Cao Sơn – Cao Các, quan Lê Quý Công.

Từ lâu, đền Bà Chúa xã Thanh Đồng được nhân dân lập nên để phụng thờ, tưởng nhớ các vị thần linh. Nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương vẫn thường ngày đến sinh hoạt văn hoá tâm linh tại đền. Theo truyền thuyết, chốn linh thiêng này, các vị thần đã linh ứng phù hộ, độ trì cho nguời dân được an bình, hạnh phúc, tấn lộc tấn tài, học hành đỗ đạt.

Ngoài ý nghĩa đó, đền Bà Chúa còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của xứ Nghệ nói chung và huyện Thanh Chương nói riêng như: Đêm 15/7/1945 UB khởi nghĩa được thành lập và tổ chức hoạt động tại đền, năm 1947 đến trở thành nơi tổ chức sản xuất vũ khí thuộc xưởng quân khí Quân khu IV, thời kỳ 1953 – 1954 trường Quân chính TW về đóng quân và huấn luyện tại khu vực đền, thời kỳ 1965 – 1966 đền Bà Chúa là nơi tập trung cất giấu của cải vật chất, vũ khí đạn dược của quốc phòng vận chuyển bằng đường sông Lam để vào chiến trường miền Nam…

Đền Bà Chúa toạ lạc trên một khu đất rộng 2565m2 nằm thoải ven bãi sông Lam, theo phong thuỷ hữu tình. Phía trước đền là dòng sông Lam trong xanh uốn lượn, xung quanh xưa kia là một làng mạc trù phú, nay là những cánh đồng, bãi mía nương dâu, ruộng ngô tươi tốt. Đứng trước đền, những hàng cây cổ thụ đổ bóng lan toả cành xuống cổng đền tạo nên vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm. Phía sau, xa xa có núi Ngưu Lĩnh che chắn những cơn gió độc, tạo cho đền một vị thế giao thoa giữa đất trời, sông núi.

Có thể nói, đền Bà Chúa là một trong những ngôi đền hiện có vị trí địa lý và cảnh quan vào lại đẹp nhất xứ Nghệ, có bến nước, có làng quê, bãi mía, bờ dâu… Tất cả quyện hoà vào nhau thành một bức hoạ thuỷ mặc hữu tình, dân dã.

Hiện tại các công trình kiến trúc của đền gồm cổng đền, sân đền, hạ điện, trung điện, tả vu, hữu vu và thượng điện, là kết quả của quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền dưới triều nhà Nguyễn. Đền Bà Chúa được coi là một mẫu mực điển hình của phong cách kiến trúc truyền thống, đăng đối, có tiền, có hậu, có thượng, có hạ, có tả, có hữu được bố cục trải dài theo chiều sâu nên đã tạo cho di tích một không gian thoáng đãng, nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, linh thiêng của chốn đền đài, miếu mão.

Đặc biệt, đền Bà Chúa còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử - văn hoá như sắc phong, câu đối, đại tự… giúp hậu thế có thêm nhiều tư liệu quý trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của các nhân vật được thờ tại đền.

Sự kiện đền Bà Chúa và nhân dân Thanh Chương vinh dự đón nhận bằng Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh thể hiện sự ghi nhận và quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân huyện Thanh Chương nói chung, xã Thanh Đồng nói riêng trong việc bảo vệ, giữ gìn và chăm sóc, phát huy giá trị vô giá của di tích lịch sủ - văn hoá quý giá: Đền Bà Chúa.

Thứ tư, anh/chị nói việc các cháu mặc quần đùi vào nơi di tích là phản cảm, nhưng có lẽ nhà báo cũng hơi quá rồi, có nhất thiết phải viết : "Việc mặc quần đùi để dâng hương, cho dù vì bất cứ lí do gì đều không thể chấp nhận được, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với anh linh người đã khuất, với thần linh. Hành động như vậy rất phản cảm, phản giáo dục, thiếu văn hóa, nhất là đối với các em nhỏ." Cái thiếu văn hóa hay không chắc Hồng Lam hiểu khi đi "đá đểu" quá đáng như thế!


Nhận xét