THƯ GỬI TÁC GIẢ ĐÌNH SÂM
Tác giả bài viết “Một cảm nhận xứ Lường” trên Nghệ An điện tử.
Anh Đình Sâm mến!
Tôi chưa được gặp anh, chỉ biết anh qua trang viết ngắn trên báo Nghệ An số ra ngày Chủ nhật (4/12/2011 – bản điện tử), qua Ban biên tập báo Nghệ An tôi cũng muốn tâm sự cùng anh đôi điều.
Thứ nhất, xin cảm ơn anh vì đã có những cảm nhận sâu sắc về xứ Lường, mặc dù anh là người Thanh Giang ngày xưa và Thanh Chương bây giờ. Tôi cũng có những cảm nhận riêng của mình về đất quê anh, nơi đã sinh ra những bậc văn nhân, sỹ phu nổi tiếng từ ngày trước đến bây giờ. Lớp trẻ chúng tôi hiện giờ có người biết, người cảm được, nhưng cũng có những người mà nói đến những cái tên như Phúc Đồng, Phương Liên, Thuận Lạc, Thuần Trung, Bột Đà… họ không biết. Họ cũng không biết tại sao có những cái tên xã như bây giờ như Liên Sơn, Văn Sơn, Lạc Sơn, Trung Sơn, Xuân Sơn… (chính là được ghép từ tên làng ngày trước với tên huyện Anh Sơn; tương ứng với các xã vừa nêu là làng Phương Liên (nay là thị trấn Đô Lương), Văn Tràng, Thuận Lạc, Thuần Trung, Trường Xuân…). Cần lắm những bài báo của những người con Đô Lương và người ngoại huyện để chúng tôi có những cái nhìn sâu sắc hơn về quê hương, xứ sở. Lời cảm ơn này của tôi cũng là của những người trẻ Đô Lương đến anh vì bài báo.
Thứ hai, tôi muốn trao đổi với anh vài điều về nội dung bài viết. Trong bài báo anh có nói đến cái địa danh Đô Lương thế này: “Theo những gì tôi bập bõm được, từ “Đô Lương” là gọi trệch đi từ chữ “Do Luong” (Đò Lường) theo văn bản chữ không dấu thời Pháp thuộc. Sông Lam lở bồi mấy trăm năm lại nay được “trang điểm” ven hữu ngạn đoạn qua Đô Lương bây giờ một bến đò Lường một thời nhộn nhịp bán mua của người bản địa với thuyền nhân từ quê Trạng Lường Lương Thế Vinh ở Nam Định vượt bể, ngược sông lên. Bến đò Lường có tên từ bấy(?)”. Những điều này tôi hoàn toàn không đồng ý. Xin thưa với anh là từ những năm 1756, La Sơn Phu Tử đã được bổ làm Huấn đạo Anh Đô. Tên gọi Đô Lương theo thiển ý của tôi có nguồn gốc từ tên Anh Đô và Lương Sơn có từ cách nay hơn 300 năm. Còn theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” thì đầu thế kỉ 19, cách đây gần 200 năm thì tỉnh Nghệ An gồm có 5 phủ: Hà Hoa, Đức Quang, Anh Đô, Diễn Châu và Trà Lân.
Riêng phủ Anh Đô như sau:
C. Phủ Anh Đô
gồm có 2 huyện:
1. Huyện Hưng Nguyên
gồm 7 tổng, 86 xã, thôn, phường, vạn, tộc
Tổng Phù Long
T. Thông Lãng
T. Đô An
T. Hoa Viên
T. Hải Hộ
T. Cảo Trình
T. La Hoàng
2. Huyện Nam Đường
Gồm có 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn
1. Tổng Non Liễu: 20 xã, thôn, giáp: Non Liễu, Yên Lạc, Thanh Tuyền, Non Hồ, Vân Đồn, Chung Giáp, Thượng Hồng (thôn)
2. Tổng Lâm Thịnh
3. Tổng Đại Đồng
4. Tổng Hoa Lâm
5. Tổng Đô Lương: 24 xã, thôn, giáp:
- Đô Lương (xã): thôn Cẩm Hoa Thượng, thôn Cẩm Hoa Đông, giáp Nghiêm Thắng, giáp Duyên Quang, thôn Đông Trung, thôn Hoa Viên, thôn Phúc Thị.
- Đại Tuyền (xã): thôn Phúc Thọ, Đông Am, giáp Trung An, thôn An Thành
- Bạch Đường: thôn Nhân Trung, thôn Phúc Tuyền, thôn Phúc An, thôn Nhân Bồi, thôn Miếu Đường.
- Diêm Trường: th An Tứ, Bỉnh Trung, Chấp Trung
- phường Thiên Lý, thôn Vĩnh Trung, ph. Hồng Hoa, vạn Trung Lở (sau đổi là ph. Duy Thanh)
6. Tổng Thuần Trung:
Thuần Trung, Tràng Bộc, Yết Nghi, Phật Kệ (2 thôn Bụt Đà, Phượng Lịch – sau đổi thành Phượng Kỷ do chữ Lịch là huý của vua Hàm Nghi – Ưng Lịch), Sơn La.
7. Tổng Bạch Hà: xã Bạch Hà, Nhân Luật, Lưu Sơn, Thanh Thuỷ, Đào Ngoã.
8. Tổng Lãng Điền: xã Lãng Điền, Mặc Điền, Tào Nguyên, thôn Vạn Hộ, Cấm An, An Lương, vạn Lãng Điền, Mặc Điền, sách Tào Giang.
Như vậy, tên gọi Đô Lương đã có cách nay 200 năm, không thể đến đầu thế kỉ XX khi quân Pháp sang mới không ghi được Đò Lương mà ghi lại trệch thành Đô Lương như anh hay cả Thạch Quỳ nói nữa. Tôi cũng có một số tư liệu là sắc phong từ cuối thế kỉ XVIII thời Cảnh Hưng cho một số tướng sĩ người Đô Lương, trong đó có địa danh Anh Đô như đã nói ở trên nhưng không tiện gửi cho anh được.
Hơn nữa, tôi cũng không dám khẳng định tên Lường là có từ tên của trạng Lường Lương Thế Vinh, dân Đô Lương quê tôi không quen gán ghép cho mình với những danh nhân nổi tiếng để được vinh danh. Có thể đó là cảm nhận của anh thông qua một số chuyện thu lượm được trong quá trình điền dã. Tuy nhiên, đó không phải là quan điểm của người Đô Lương.
Một vài ý kiến gửi anh, mong anh tham khảo. Nếu có dịp xin được trao đổi với anh nhiều hơn.
Thân mến!
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa